1. Loa là gì ? Cấu tạo cơ bản của loa ?
Để hiểu cấu tạo và nguyên lý hoạt động của một mẫu loa cơ bản, bạn cần phải hiểu loa là thiết bị gì ? - Loa là một thiết bị trong hệ thống âm thanh, có nhiệm vụ là phát ra âm thanh bằng cách chuyển hóa tín hiệu điện (Sóng điện) thành tín hiệu âm thanh (Sóng âm) và tái tạo âm thanh truyền đến tai người nghe.
Loa thường được chia thành 2 loại cơ bản bao gồm:
- Loa chủ động (loa active) là một sự nâng cấp mở rộng từ loại loa thụ động cơ bản. Bạn có thể hiểu loa chủ động chính là một chiếc loa thụ động nhưng được tích hợp thêm mạch amply để khuếch đại và cung cấp trực tiếp các tín hiệu âm thanh cho loa, không qua hệ thống dây dẫn như khi tách rời ampli và loa
- Loa Passive thì ngược lại, loa thụ động là loa không được tích hợp mạch amply khuếch đại bên trong, nếu muốn loa kêu bạn phải có thiết bị “đẩy” âm thanh thì loa mới kêu được.

Cấu tạo cơ bản của loa
Cấu tạo của một chiếc loa khá đơn giản bao gồm ba bộ phận chính là: Củ Loa, Thùng Loa, Mạch lọc. Mỗi bộ phận sẽ đảm nhận một nhiệm vụ quan trọng nhất định. HDRadio xin mời các bạn cùng tìm hiểu kĩ hơn từng thành phần cấu tạo của loa ở nội dung dưới đây:

Củ loa
Củ loa là gì? (Tên tiếng anh: Driver) là một bộ phận quan trọng trong loa và được coi là linh hồn của mọi chiếc loa. Nó có chức năng phát ra âm thanh bằng cách chuyển tín hiệu sóng điện sang tín hiệu sóng âm nhờ chuyển động của màng loa.

Cấu tạo của củ loa
Trong một củ loa hoàn chỉnh sẽ có 6 bộ phận nhỏ cấu thành là: Khung sườn, viền nhún, mạng nhện, nam châm, cuộn âm và màng loa.

- Khung sườn (Frame): Có nhiệm vụ gắn kết các thành phần của loa lại với nhau, có rất nhiều chất liệu để sản xuất ra khung sườn như nhôm đúc, sắt dập đôi hoặc là bằng nhựa để giảm chi phí giá thành khi bán ra. Tùy vào từng loại chất liệu sản xuất mà phần phía sau có thể bịt kín hoặc để hở. Chất liệu sản xuất khung sườn là yếu tố để các nhà sản xuất loa khẳng định đẳng cấp, giá trị sản phẩm của họ.

- Viền nhún (Surround hoặc edge): Chức năng của viền nhún là giữ kín hơi và tạo độ mềm dẻo, linh hoạt cho loa. Viền nhún không thể phát ra được âm thanh nhưng chúng lại có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng của âm thanh khi phát ra. Và lý do vì sao lại có chuyện này, đó là dựa vào chất liệu sản xuất ra chúng, viền nhún thường được sản xuất từ các chất liệu như giấy, vải xếp gấp lại với nhau để tạo thành một lớp dày, cứng và điều này ảnh hưởng đến thông số kỹ thuật của loa khá nhiều, nếu viền nhún bị ướt thì sẽ rất dễ bị rách và bắt buộc chúng ta phải thay thế một loại viền nhún khác và điều này dẫn đến việc âm thanh khi phát ra sẽ rất khác so với ban đầu.

- Mạng nhện (Spider): Trong củ loa mạng nhện giữ vai trò vô cùng quan trọng, và là bộ phận phải hoạt động nhiều nhất. Khi tín hiệu điện được đưa vào, mạng nhện sẽ hoạt động như một cái lò xo di chuyển nhanh để truyền tín hiệu rồi quay về vị trí cân bằng để nhận tín hiệu tiếp theo và tiếp tục truyền tín hiệu đi. Độ dao động của củ loa phụ thuộc rất lớn vào việc nhận tín hiệu nhanh hay chậm của mạng nhện. Ngoài ra, mạng nhện còn là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng củ loa và độ bền âm thanh của một chiếc loa theo thời gian.

- Nam Châm: có cấu tạo hình tròn được đặt cố định ở đầu nhọn phía sau cùng của loa, tâm của nam châm nằm thẳng hàng với tâm của cuộn dây đồng và tâm của màng loa. Tác dụng chính của nam châm là tạo ra lực từ tương tác với cuộn dây đồng để tạo ra những xung động âm thanh và những xung động này sẽ dao động liên tục và tác động đến màng loa để phát ra âm thanh. Khối lượng nam châm càng lớn thì loa vận hành với cường độ và năng lượng âm thanh càng cao. Đặc biệt là giúp cho sự giải nhiệt của loa hoàn hảo hơn khi vận hành ở cường độ âm thanh lớn. Đồng nghĩa với việc khối nam châm lớn thì giá tiền những chiếc loa này cũng sẽ đắt tiền hơn. Trên thị trường hiện nay có ba loại nam châm chính là: Alnocol, Ferrite và Neodymium.

- Côn loa (Voice coil): Côn loa có cấu tạo gồm lõi kim loại là ống hình trụ (thường được làm bằng nhựa chịu nhiệt) kết hợp với các dây đồng quấn xung quanh nó. Côn loa này được đặt trong khe hở từ. Khe từ này càng nhỏ mật độ từ càng cao, chất lượng âm thanh càng đặc biệt. Côn loa là bộ phận chịu nhiệt cao khi có dòng điện đi qua nên nó được phủ keo cố định với lõi kim loại để tạo độ chắc chắn.

- Màng loa: Màng loa là một trong những bộ phận quan trọng quyết định một chiếc loa có tốt hay không. Màng loa quyết định đến sắc thái cũng như chất lượng âm thanh phát ra của một chiếc loa. Màng loa trên thị trường hiện nay phần lớn được làm bằng giấy, nhựa, kim loại, gỗ… Trong đó, tùy theo từng đơn vị sản xuất và nhu cầu hướng đến các đối tượng người dùng khác nhau mà chất liệu làm màng loa sẽ có sự thay đổi sao cho phù hợp.

Phân loại củ loa
Củ loa được chia thành ba loại chính là: Củ Bass, Củ Mid, Củ Treble
- Củ loa Bass: có chức năng chuyên phát ra âm thanh có dải tần số thấp hoặc rất thấp, khoảng từ 500 Hz trở xuống thậm chí có thể dưới 20Hz. Tiếng trống hay tiếng bom rơi trong các bộ phim là các đối tượng được nhắc nhiều nhất khi nói tới củ loa siêu trầm hay còn gọi là Subwoofer.
- Củ Mid: hay còn có một số cái tên khác như: Loa Mid hoặc Squawker có chức năng chuyên phát ra âm thanh có dải tần số trung bình và vừa, là dải âm mà tai người dễ nghe thấy nhất trong khoảng dải tần số 250-2.000Hz.
- Củ Treble: Chức năng của dạng củ loa này là phát ra âm thanh có dải tần số cao như: m sắc của nhạc cụ, hiệu ứng kính vỡ,… trong dải tần số khoảng 2.000Hz - 20.000Hz. Đặc biệt với dòng loa Super tweeter – Loa siêu cao tần có dải tần số rất cao, có thể lên tới 100.000Hz

Thùng loa
Thùng loa là bộ phận không thể thiếu trong tất cả các chiếc loa, thùng loa chính là một cái hộp (Thùng, cabinet) để đặt các củ loa và mạch lọc vào bên trong, các thùng loa phải được thiết kế phù hợp để giúp sóng âm cộng hưởng tốt nhất và định hướng được sóng âm theo yêu cầu của người thiết kế.
Có rất nhiều yếu tố tác động đến việc tạo thành một thùng loa là: Kích thước, vật liệu chế tạo, độ dày và các loại sơn phủ lên bề mặt thùng loa… Những điều này tác động khá lớn đến chất lượng âm thanh mà loa phát ra. Ngoài ra, khoảng không bên trong thùng loa cũng có ảnh hưởng quan trọng nhất định tới hoạt động của loa.
thùng loa không đơn giản chỉ là bộ phận để đặt và cố định hệ thống linh kiện vào bên trong mà còn được xem là một vật trang trí với sự đa dạng và độc đáo trong ý tưởng thiết kế.

Các dạng thùng loa
Câu nói: “Thùng có tốt, loa mới hay” đã thể hiện được rằng thùng loa có mức độ quan trọng như thế nào. Thông thường thùng loa có 2 dạng chính: Thùng loa dạng kín và thùng loa dạng hở.
- Thùng loa dạng kín: Đúng với tên gọi của nó, Thùng Loa Dạng Kín được thiết kế kín hoàn toàn sao cho không khí không thể lọt từ bên ngoài vào và ngược lại dù nó ở bất kỳ hình dạng nào. Thường thì thùng loa dạng kín sẽ có hiệu suất hoạt động không được cao nhưng bù lại chất lượng âm thanh ở các dải tần số đạt được độ cân bằng.
- Thùng loa dạng hở: Thùng Loa Dạng Hở hay còn được gọi là bass reflex là dạng loa đang khá được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Nó được thiết kế thêm 1 cổng thông hơi ở mặt trước hoặc sau của thùng loa. Cổng này có tác dụng lưu thông luồng không khí từ ngoài vào giúp nâng cao hiệu suất làm việc của loa. Điểm nổi bật của thùng loa dạng hở là khả năng lan tỏa âm thanh mạnh mẽ.
Nhưng điều cần lưu ý khi sử dụng với dạng thùng loa có cổng hở phía sau khi đặt ở vị trí gần tường thì nên cách mặt tưởng ít nhất 20cm để đảm bảo hơi được thoát ra để đạt hiệu quả tối ưu. Còn cổng hở phía trước thì thoải mái hơn trong vấn đề tìm vị trí lắp đặt.

Mạch phân tần (mạch lọc loa)
Mạch phân tần (mạch lọc hay Crossover) là một bộ phận bên trong loa, làm nhiệm vụ tách, chia và phân loại các dải tần số phù hợp để đưa đến các củ loa: Bass, Treble, Mid, để tái tạo âm thanh tốt nhất mà một chiếc loa có thể phát ra (Âm thanh rõ ràng, không bị biến dạng và độ lớn của cường độ âm thanh cũng vừa đủ nghe). Ngoài ra, mạch phân tân giúp bảo vệ loa hạn chế cháy củ loa.

2. Cấu tạo dạng loa cơ bản hiện nay
Vừa rồi HDRadio đã bạn biết cấu cấu tạo của một mẫu loa cơ bản bao gồm những gì và chức năng của chúng trong loa. Nhưng trên thị trường hiện nay có rất nhiều dạng loa khác nhau cùng với đó là cấu tạo của các dạng loa này cũng khác nhau. Có thể kể đến như loa bass, loa treble, loa sub (sub điện, sub hơi,... Tùy vào mục đích sử dụng cũng như các dạng loa này được ứng dụng vào dòng loa nào, như loa bluetooth, loa nghe nhạc, loa karaoke,... và còn nhiều dòng loa nữa.
Để bạn nắm bắt rõ hơn cũng như hiểu kỹ hơn nữa về loa, HDRadio sẽ trình bày các dạng loa cơ bản và cấu tạo của chúng ngay sau đây:

2.1. Cấu tạo loa Bass
Đầu tiên và phổ biến nhất mà hầu hết các loa cơ bản đều có đó là dạng loa bass, loa bass là thuật ngữ kỹ thuật cho một loa điều khiển được thiết kế để thực hiện chức năng tái tạo âm trầm(âm bass) có dải tần số thấp từ 20Hz - 500Hz, và thường được chia làm 3 loại:
Bass sâu(Deep bass): ~20Hz - 80Hz
Bass trung(Mid bass): ~80Hz - 320Hz
Bass cao(Upper bass): ~320Hz - 500Hz

Cấu tạo loa bass
Cấu tạo của loa bass cũng giống như các mẫu loa thông thường bao gồm có: Khung sườn bass, viền nhún, mạng nhện, nam châm, cuộn âm và màng loa. Định nghĩa của các thành phần này, HDRadio đã trình bày ở phía trên, bạn có thể tìm hiểu lại ở đó. Trong hệ thống âm thanh karaoke hay hệ thống âm thanh nghe nhạc - xem phim, loa bass dường như không thể thiếu, bởi nó thể hiện chất âm bass mà chất âm này được coi là cột sống của một bản nhạc.
Điểm khác biệt ở loa bass là chúng thường có đường kính lớn, bởi vì chúng đảm nhiệm những dải âm trầm mà cụ thể ở trong một bài nhạc là tiếng trống bass, các giọng hát âm trầm ở nam giới hoặc nữ giới,... Các thuật ngữ để thể hiện loa trầm hay là loa trầm đó phải có tiếng bass chắc, khỏe và mạnh mẽ. Một vài dòng loa thì cần tiếng bass rõ ràng và có chiều sâu.

2.2. Cấu tạo của loa treble
Trong hệ thống âm thanh, bên cạnh loa bass thì loa treble cũng quan trọng không kém. Loa treble (Tweeter) là loại loa cấu tạo đặc biệt, có nhiệm vụ tái tạo những dải âm cao trên 3000Hz, đây là bộ phận không thể thiếu trong bất cứ một sản phẩm loa nào.

Cấu tạo của loa treble
Loa Treble thường có cấu tạo dạng vòm (kiểu Dome). Chất liệu làm loa là titan, lụa hoặc nhôm,... Màng loa của chúng khá nhỏ, đường kính nhỏ. Trọng lượng của chúng cũng rất nhẹ. Chính vì thế, chuyển động của màng loa rất nhanh.
Theo các nghiên cứu, chúng có thể tạo ra hàng ngàn dao động chỉ trong vòng 1 giây. Điều này cũng giải thích cho việc vì sao khi bạn đang nghe nhạc mà mở thùng loa ra, loa bass và loa mid hoạt động còn loa treble lại đứng yên. Tần số hoạt động của chúng quá nhanh, đến nỗi bạn không thể cảm nhận bằng mắt thường được.
Loa treble có vai trò rất quan trọng trong một hệ thống loa karaoke, loa nghe nhạc chuyên nghiệp nhất. Khi kết hợp giữa 3 dải âm thanh: trầm - trung - cao trong cùng bản nhạc sẽ cho người nghe cảm nhận chất âm sống động và chân thực nhất.
Âm treble là nền tảng để có được chất âm hay cho bài hát cho người nghe cảm nhận chất âm trong trẻo, bay bổng. Hay nói cách khác nó là điểm nhấn, cao trào cho bài hát nếu loa mid và loa bass có vai trò hài hòa âm thanh thì loa treble giúp biểu diễn, chạm đến tai người nghe một cách tốt nhất.

2.3. Cấu tạo loa sub
Loa siêu trầm (loa sub): là một thiết bị không thể thiếu trong dàn âm thanh của bạn. Hơn thế nữa, nó được thiết kế dành riêng cho sự mô phỏng các tần số âm thanh ở mức độ thấp. Dải tần số đặc trưng cho một loa siêu trầm là trong khoảng 20Hz - 200Hz. Loa siêu trầm thường được ứng dụng rộng rãi cho các mục đích sử dụng khác nhau nhưng chúng ta thường thấy sử dụng trong sub xem phim, nghe nhạc hoặc sub karaoke.

Cấu tạo loa trầm
Loa siêu trầm được tạo thành từ một hoặc nhiều loa trầm gắn kết lại với nhau. Cấu tạo cơ bản của loa siêu trầm gồm có : thùng loa, lõi loa và dây kết nối. Thùng loa, thường được làm bằng gỗ, do vậy nó có khả năng chịu áp suất không khí lớn, đồng thời chống biến dạng.
Loa siêu trầm thường có kích thước lớn và khá nặng. Nhưng trên thực tế có hai dạng chính như sau :
- Loa không liền công suất (loa sub sub hơi) : loa này được thiết kế không đi kèm amply tích hợp, chính vì vậy nên sẽ phải có thêm amply rời. Cũng chính vì điều này, mà hiện nay loa sub hơi này, không được nhiều người sử dụng lựa chọn nhiều. Bởi để loa có thể hoạt động tốt, thì bạn phải là người có kiến thức về việc phối ghép, và căn chỉnh loa một cách thật hài hòa. Tuy nhiên, nó cũng có ưu điểm đó là gọn gàng hơn, bởi vậy, đối với những người am hiểu về âm thanh sẽ thấy rằng nó đem lại hiệu quả cao, nếu như bạn biết đầu tư đúng cách. Bên cạnh đó, cũng tùy thuộc vào công suất amply và thông số kỹ thuật của loa, để bạn có thể phối hợp với các thiết bị âm thanh khác một cách dễ dàng nhất.

- Loa liền công suất ( loa sub sub điện ) : đây là dòng sản phẩm chất lượng cao đánh dấu bước đột phá mới trong sự phát triển của dòng loa này. Loa sub điện được thiết kế tích hợp sẵn amply kèm theo, do vậy người dùng chỉ cần đưa tín hiệu âm thanh tới là có thể sử dụng được. Nên đối với những người không am hiểu nhiều về các thiết bị âm thanh, sẽ dễ dàng sử dụng hơn so với loa sub hơi. Dòng loa karaoke này cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi nó tiện dụng hơn, và cũng không quá cầu kỳ khi lắp ghép như loa sub hơi.

2.4. Cấu tạo loa đồng trục
Loa đồng trục hay còn được gọi với cái tên khác là loa toàn dải, là một hệ thống loa mà trong đó các đơn vị điều khiển riêng lẻ phát ra âm thanh từ một trục hay một điểm duy nhất. Loa này có nhiều tính năng đặc biệt hơn nhằm mang đến âm thanh tốt nhất cho người nghe.
Để có thể phân biệt được loa đồng trục với các loại loa khác thì bạn cần dựa vào một số đặc điểm nhận dạng sau:
- Cổ áo loa chỉ có duy nhất một loa làm nhiệm vụ phát ra 3 âm: cao, trung, trầm.
- Tín hiệu thông tin sẽ đi thẳng từ Amply ra loa chứ không có phân tần.
- Loa đồng trục được thiết kế với nam châm lớn, mạnh gấp nhiều lần so với những loại loa thông thường.
- Loa đồng trục mang đến chất lượng âm thanh trung thực, gần gũi vì có thể phát ra âm với dải tần lớn.

Cấu tạo loa đồng trục
Loa đồng trục được chia thành 2 loại với cấu tạo khác nhau:
Loa đồng trục rất thích hợp để lắp đặt trong các ô tô, đặc biệt ở những loại xe cao cấp thì hệ thống loa này được nâng cấp hiện đại hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu của người dùng.
Thông thường sẽ có từ 2 đến 3 trình điều khiển có thiết kế nhỏ gọn được lắp đặt. Trong đó trình điều khiển trung tâm, loa treble được lắp đặt ở phía loa bass. Hệ thống dải âm tần số thấp được truyền tải rõ nét và chi tiết, từ đây bạn có thể phát và nghe được mọi dòng nhạc khác nhau.
- Loa đồng trục trong âm thanh chuyên nghiệp
Khác với loại loa đồng trục trên, loa đồng trục trong âm thanh chuyên nghiệp cho phép thanh âm từ hai trình điều khiển khác nhau đến từ một nguồn.
Tính năng này cho phép mở rộng phạm vi của việc nghe tổng kết đồng bộ các trình điều khiển loa so với các loa thùng loa có chứa các trình điều khiển riêng biệt. Cùng với đó, mô hình phản hồi cũng đối xứng xung quanh trục của loa.

2.5. Cấu tạo loa vi tính
Loa máy vi tính là thiết bị dùng để khuếch đại âm thanh phục vụ nhu cầu làm việc và giải trí của người dùng. Thiết bị dùng để cải thiện âm thanh cho các dòng laptop, máy tính có loa công suất không cao.
Loa máy tính gắn ngoài thường được tích hợp sẵn các mạch công suất, vì thế thiết bị có thể sử dụng trực tiếp mà không cần đến bộ khuếch đại công suất (amply).

Cấu tạo loa vi tính
Về cơ bản, loa vi tính cấu tạo bao gồm hai phần: Loa vệ tinh và loa sub (loa siêu trầm).
Để phân loại các loại loa vi tính, người ta dựa vào số lượng loa vệ tinh và loa sub. Ta quy ước rằng loại loa vi tính sẽ là X.Y trong đó X là số lượng loa vệ tinh và Y là số lượng loa sub.
Ví dụ: Loa 2.0 bao gồm 2 loa vệ tinh và không có loa sub.
Loa 2.1 bao gồm 2 loa vệ sinh và 1 loa sub
Bạn có thể hiểu tương tự đối với các dòng còn lại như 4.1, 5.1, 7.1 hay 9.1

2.6. Cấu tạo loa bluetooth
Loa bluetooth (hay còn thường được gọi là loa di động không dây) là những mẫu loa được tích hợp công nghệ kết nối không dây Bluetooth giúp kết nối không dây với các nguồn âm thanh có bluetooth khác như: điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, tivi... để nghe nhạc, xem phim, giải trí hoàn hảo. Thậm chí ngày nay một số mẫu loa bluetooth di động còn có thể kết hợp với một số micro chuyên dụng để hát karaoke hoàn hảo trong một số trường hợp đặc biệt.

Cấu tạo loa bluetooth
Để nói về cấu tạo thì loa bluetooth rất đa dạng về cấu tạo nhưng đa phần các củ loa bên trong đều có các đặc điểm chung như bao mẫu loa thông thường. Điều quan trọng khi nói về loa bluetooth đó là tính năng và công nghệ của loa. Bởi vì điều đó dạng loa này được phân chia thành nhiều loại loa bluetooth khác nhau có thể đến như:

2.7. Cấu tạo loa nén
Loa nén là một loại loa thường được sử dụng ở những nơi rộng và xa vì thế nó có mức điện áp khá lớn. Người ta thường sử dụng loa nén ở những nơi như: đường xá, trường học hay các thôn bản,... và được sử dụng để thông báo cho một khu tập thể nào đó, nhiều người vẫn ví đây là loa phường.

Cấu tạo của loa nén
Loa nén gồm 2 bộ phận chính đó là: phần củ loa và phần vành loa.
- Củ loa có chức năng quyết định chất lượng âm thanh. Phía bên trong củ loa gồm có nam châm và một số linh kiện điện tử khác giúp loa có thể hoạt động. Củ loa luôn được thiết kế với khả năng chịu được thời tiết và đưa âm thanh vang xa.
- Vành loa gắn với vùng củ loa trung tâm đảm nhiệm chức năng phóng thanh. Đây là nhiệm vụ quan trọng của một thiết bị loa phát thanh với khả năng dội âm thanh về một số nơi cần phát ra âm thanh. Âm thanh của vành loa thì thường đi theo chiều thẳng giúp che mưa, che nắng và bảo vệ phần củ loa dưới sự tác động của một số yếu tố bên ngoài và đáp ứng được nhu cầu của người dùng.

3. Nguyên lý hoạt động của loa
Vừa rồi, HDRadio đã trình bày tất cả các dạng loa cơ bản và thông dụng trên thị trường hiện nay để bạn nắm bắt thông tin cũng như có thể hiểu rõ hơn về các dạng loa này. Sau khi đã hiểu rõ về các dạng loa và cấu tạo của chúng, đến phần nguyên lý hoạt động sẽ hiểu rất dễ dàng. Hầu hết các dạng loa trên đều có nguyên lý hoạt động giống nhau và theo một cách thức sau đây để phát ra âm thanh:
Nguyên lý hoạt động của củ loa
Khi có dòng điện đi vào, nam châm sẽ tạo ra các từ trường, các lực từ trường này sẽ tác động làm cho cuộn âm chuyển động vào ra liên tục theo dao động cơ. Cuộn âm khi chuyển động sẽ kéo theo màng loa chuyển động theo, do 2 bộ phận này được gắn vào nhau, phần mạng nhện cũng được gắn với cuộn âm, vậy nên mạng nhện sẽ có tần số cùng với tần số giao động của màng loa và giúp sự chuyển động của màng loa trở nên nhịp nhàng hơn. Cả 2 bộ phận (Màng loa, mạng nhện) được gắn chung vào phần khung viền, khung viền sẽ giúp giữ cố định cho màng loa. Khi màng loa chuyển động tác động vào không khí phía trước loa bị rung động, từ đó tín hiệu âm thanh (Sóng âm) được tạo ra. Dòng điện sẽ đổi chiều liên tục với tần số thay đổi sẽ tạo ra âm trầm, âm bổng khác nhau. Chính vì nguyên lí đó mà bạn có thể lựa chọn cách bố trí loa trong dàn âm thanh một cách thích hợp nhất.

Nguyên lý hoạt động của loa thụ động
Hãy xem đường dẫn tín hiệu của loa thụ động trông như thế nào trong một sơ đồ đơn giản:
- Nguồn âm thanh (Audio Source)
- Bộ tiền khuếch đại (Preamply)
- Bộ khuếch đại công suất (Power Amply)
- Bộ phân tần thụ động (Passive Crossover)
- Trình điều khiển (Bass, Mid, Treble)

Nguyên lý hoạt động của loa chủ động
Hệ thống đường dẫn tín hiệu của loa chủ động:
- Nguồn âm thanh (Audio Source)
- Bộ tiền khuếch đại (Preamply)
- Bộ phân tần chủ động (Active Crossover)
- Bộ khuếch đại công suất riêng lẻ (Power Amp được tích hợp trong hệ thống loa)
- Trình điều khiển (Bass, Mid, Treble)

Như vậy, qua bài viết vừa rồi của HDRadio mong rằng phần nào đó đã giải đáp được thắc mắc của bạn bấy lâu nay. Sau khi đã nắm mọi thông tin chi tiết về loa cũng như các dạng loa và bạn muốn tìm kiếm các mẫu loa để nghe nhạc, giải trí thì hãy liên hệ ngay cho HDRadio để nhận được mức giá tốt nhất tại Việt Nam cùng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn ngay nhé.
HDRadio là hệ thống của hàng phân phối các thiết bị âm thanh chính hãng hàng đầu tại Việt Nam. Các mặt hàng đang được kinh doanh tại cửa hàng rất đa dạng và phong phú đảm bảo đáp ứng trọn vẹn và đầy đủ dành cho bạn, các mặt hàng nổi bật có thể kể đến như: loa nghe nhạc, loa xem phim, loa bluetooth, loa karaoke, dàn karaoke, dàn nghe nhạc, dàn xem phim,...